Thứ Bảy, tháng 10 19, 2024

Bản Đồ Ý Thức – Các Cấp Độ Ý Thức Con Người – David R.Hawkins

 

Qua nhiều năm nghiên cứu này được thực hiện, hàng triệu lần xác định điểm hiệu chỉnh đã tạo nên một loạt đa dạng các giá trị tương ứng xác đáng với một bộ các thái độ và cảm xúc được công nhận rộng rãi, được khu biệt hóa bằng những trường năng lượng điểm hút cụ thể, rất giống với hình ảnh những trường điện từ hút các mạt sắt lại với nhau. Để dễ hiểu, cũng như đảm bảo sự chính xác chủ quan và lâm sàng, chúng tôi đã áp dụng cách phân loại dưới đây cho các trường năng lượng này.

Một điều rất quan trọng là bạn phải nhớ rằng các điểm hiệu chỉnh không thể hiện mức tăng theo cấp số cộng, mà theo hàm logarit. Do đó, cấp độ 300 không phải là gấp đôi của 150; mà là lũy thừa bậc 300 của 10 (10300). Do đó, chỉ cần tăng một vài điểm là đã có sự chênh lệch lớn về năng lượng; tỉ lệ gia tăng năng lượng khi chúng ta tiến lên trên thang độ này do đó là rất lớn.

Những cách tự thể hiện của các loại cấp độ ý thức con người rất sâu sắc và có tác động sâu rộng; ảnh hưởng của chúng vừa to lớn vừa tinh tế. Tất cả các cấp độ dưới 200 đều có tính hủy hoại cuộc sống của cả cá nhân lẫn xã hội; ngược lại, tất cả các cấp độ trên 200 đều là những biểu hiện có tính xây dựng của năng lượng. Cấp độ then chốt là 200, nó là bản lề phân chia giữa những khu vực chung của lực (hoặc cái sai) với sức mạnh (hoặc cái đúng).

Tác giả David R.Hawkins

Để miêu tả sự liên quan về mặt cảm xúc của các vùng năng lượng ý thức, cũng nên nhớ rằng chúng hiếm khi được biểu hiện như những trạng thái đơn thuần của một cá nhân. Một người có thể hoạt động ở cấp độ này trong một lĩnh vực nào đó của cuộc sống nhưng hoàn toàn có thể ở cấp độ khác trong một lĩnh vực khác. Điểm ý thức tổng quát của một cá nhân là tổng toàn bộ tác động của tất cả các cấp độ này.

Cấp độ năng lượng 20: Nhục nhã 

Cấp độ Nhục nhã mấp mé đến cái chết, có thể người ta cố tình chọn tự tử vì Nhục nhã hoặc tự đưa mình đến cái chết một cách tinh vi hơn bằng cách không hành động để kéo dài sự sống, đây được gọi là “tự tử thụ động”. Cách phổ biến là chết do những tai nạn có thể tránh được. Tất cả chúng ta đều nhận thức được ở một mức độ nào đó nỗi đau “mất thể diện”, bị mất uy tín, hoặc cảm giác mình là người “chẳng ra gì”. Ở cấp độ Nhục nhã, người ta cúi đầu và lẩn lút, ước mình vô hình. Nhục nhã thường đi kèm với việc bị xua đuổi, trục xuất, trong những xã hội nguyên thủy mà tất cả chúng ta đều từ đó mà ra, bị trục xuất thì chẳng khác gì chết.

Những trải nghiệm đầu đời như lạm dụng tình dục, dẫn tới Nhục nhã, thường bóp méo nhân cách trong suốt một đời người nếu những vấn đề này không được trị liệu. Nhục nhã, như Freud đã xác định, sinh ra chứng loạn thần kinh chức năng. Nó có hại cho đời sống cảm xúc và tâm lý, thêm nữa, như một hệ quả của lòng tự tôn bị chà đạp, nó khiến người ta có xu hướng phát triển bệnh thể chất. Nhân cách phát triển trên nỗi Nhục nhã là nhút nhát, xấu hổ, thu mình và hướng nội.

Nhục nhã cũng được dùng làm công cụ cho sự tàn bạo, và chính nạn nhân của nó cũng trở nên tàn bạo. Những đứa trẻ bị làm nhục thường tàn bạo đối với động vật và tàn bạo với nhau. Hành vi của những người có cấp độ ý thức chỉ trong khoảng 20 đến 30 điểm là rất nguy hiểm. Họ rất dễ có ảo giác về việc bị buộc tội, cũng như chứng hoang tưởng; một số người trở nên loạn thần hoặc phạm phải những tội ác kỳ quái.