Chủ Nhật, tháng 5 04, 2025

GIẢI MÃ CHI TIẾT QUÁ TRÌNH HÀNH QUÂN THỜI CỔ ĐẠI

 

GIẢI MÃ CHI TIẾT QUÁ TRÌNH HÀNH QUÂN THỜI CỔ ĐẠI
Video cho người lười đọc: https://youtu.be/rFjHll3xAwo
Thời cổ đại, việc hành quân xuất chinh của quân đội là một công việc vô cùng phức tạp, không đơn giản như trong game khi chúng ta chỉ cần khoanh vùng bằng chuột là xong. Mà trong đó, có rất nhiều công đoạn cần chuẩn bị. Lấy triều Minh làm ví dụ: Sau khi nhận lệnh xuất binh, chủ tướng phải đến doanh trại trước ba ngày, triệu tập các tướng lĩnh làm lễ tế cắt máu ăn thề để cổ vũ sĩ khí quân đội. Các đơn vị sau đó thu xếp trang bị, kiểm kê kỹ lưỡng trước khi chờ lệnh lên đường.
Vào ngày hành quân, việc đầu tiên chủ tướng làm là phái Đường kỵ (tức kỵ binh trinh sát kiêm liên lạc). Nhiệm vụ của họ là do thám tình hình quân địch và báo cáo thông tin trong suốt hành trình.
Buổi sáng, khi hiệu lệnh kèn đầu tiên vang lên, các đơn vị phải thu dọn trang bị, nấu ăn theo lệnh, kiểm tra lương thảo. Nhưng thay vì lập tức xuất phát, quân đội sẽ phái Đường kỵ đi trước.
Mỗi Đường gồm 5 kỵ binh, hoạt động trong tầm nhìn của nhau. Mỗi người trang bị pháo hiệu để báo động khi gặp tình huống khẩn cấp. Dù quân chủ lực chia làm mấy cánh, mỗi cánh đều có 24 Đường, mỗi kỵ binh cách nhau 1 dặm, tạo thành mạng lưới trinh sát rộng tới hơn 20 dặm.
Có thể nói, Đường kỵ chính là Thiên lý nhãn, Thuận phong nhĩ của quân đội.
Đường kỵ mỗi người được trang bị một thanh đao đeo ở thắt lưng, một bộ cung tên, và với tư cách là quân liên lạc, bọn họ còn có một lá cờ quan trọng nhất. Nói là cờ nhưng thực chất là một ngọn thương, thương dài ba mét, dưới mũi thương gắn một lá cờ nhỏ rộng ba mươi centimet. Nếu Đường kỵ phát hiện đội hình địch, sẽ dựng cờ lắc mạnh sang hai bên trái phải, những kỵ binh phía sau nhìn thấy tín hiệu sẽ truyền tin tầng tầng lớp lớp đến chỗ chủ tướng. Nếu địch còn ở xa, không phải tình huống đụng độ bất ngờ, thì chỉ cần chầm chậm điểm động lá cờ. Còn nếu đại quân địch hung hăng khí thế, thì phải vòng tay quay tròn lắc cờ.
Đó là những tình huống gặp địch, còn nếu là vấn đề địa hình, ví dụ như đường cùng, chỗ nước hẹp, thì không cần phất cờ, chỉ cần truyền miệng tầng tầng lớp lớp là được. Để tránh việc địch đuổi đánh Đường kỵ khiến thông tin bị gián đoạn, quân pháp quy định Đường kỵ không được rút lui toàn bộ, mà phải căn cứ vào sức ép của địch mà lui dần. Ví dụ như nếu quân địch đuổi sát, thì kỵ binh ở vị trí đầu tiên sẽ rút về vị trí của kỵ binh cách đó một dặm; nếu địch vẫn tiếp tục tiến lên, thì cứ thế lần lượt rút lui. Nếu quân địch rút đi, thì Đường kỵ lại trở về vị trí cũ. Cứ thế, địch tiến ta lui, địch lui ta tiến, các trạm Đường kỵ lần lượt thi hành.
Còn về các loại cờ hiệu màu sắc, mỗi màu đều mang ý nghĩa khác nhau.
Ví dụ:
Gặp địch thì phất cờ đỏ
Phát hiện địch thì phất cờ vàng
Địch đông thì phất cờ xanh
Địch ít thì phất cờ trắng
Địa hình hiểm trở thì phất cờ đen
Mỗi loại đều có công dụng riêng, không được nhầm lẫn.
Ngoài ra, khi đường kỵ thu thập được tình báo, chỉ được báo cáo trực tiếp với chủ tướng. Nếu có đường kỵ về doanh báo cáo tin tức trinh sát, bất kể là việc khẩn cấp hay thông thường, quân lính dọc đường tuyệt đối không được chặn lại tra hỏi, mà phải để họ thẳng đến trung quân bẩm báo với chủ tướng. Sau đó, chủ tướng sẽ triệu tập các tướng lĩnh bàn luận.
Nếu ai dám chặn Đường kỵ giữa đường để tra hỏi tình báo, lập tức xử trị theo quân pháp!
Về sự khác biệt giữa Nam và Bắc đã nói ở trên, chủ yếu là do địa hình khác nhau.
Phương Bắc tuy cũng có núi cao, nhưng chủ yếu là đồng bằng, đặc biệt vùng ngoài ải đất rộng thênh thang, sông dài dốc thoải đều có thể quan sát rõ ràng. Các khu vực Nam thì hoàn toàn khác, núi non hiểm trở, sông ngòi chằng chịt, không chỗ nào không thể mai phục, không nơi nào không thể chặn đánh.
Vì thế, Đường kỵ của phương Nam ngoài kỵ binh còn có bộ binh. Ở phương Bắc, mỗi một Đường gồm 5 kỵ binh, tổng cộng 24 Đường; còn ở phương Nam thì 10 kỵ binh cùng 10 bộ binh hợp thành một Đường, tổng cộng 10 Đường, đều phải chọn lính giỏi leo trèo.
Hễ gặp núi non hiểm trở, kỵ binh không thể lên được, thì bộ binh sẽ cầm cờ ngũ phương ngũ sắc lên núi thám thính. Tất cả các hang hốc, rừng rậm đều không được bỏ sót.
Khi không phát hiện vấn đề gì, bộ đường (tức trinh sát bộ binh) sẽ giương cờ đứng yên tại chỗ, kỵ đường (tức trinh sát kỵ binh) phi ngựa về báo cáo. Quân chủ lực sẽ tiến đến vị trí bộ đường đang đứng, tìm nơi bằng phẳng rộng rãi để đóng quân, dàn trận phòng thủ. Sau đó, các trinh sát lại tiếp tục tiến lên do thám, lặp lại quy trình cho đến khi hoàn toàn ra khỏi thung lũng.
Nếu phát hiện điều khả nghi hoặc gặp phải phục binh, bộ Đường bị hại hoặc phất cờ báo động, kỵ binh lập tức phi mã về doanh báo tin. Chủ tướng sẽ căn cứ theo địa hình núi non mà bố trí quân đội dàn trận nghênh địch.
Bộ Đường nếu không bị hại, cho phép tùy ý thoát thân, tạm thời không trở về doanh trại. Đợi đến khi đại chiến kết thúc, mỗi Đường binh sẽ được thưởng công một thủ cấp.
Tiếp theo nói về thứ tự hành quân của đại quân theo quân pháp.
Xuất doanh đầu tiên là kỵ binh các bộ, vì kỵ binh di chuyển nhanh, sau khi ra khỏi trại phải nhanh chóng tiến lên cách doanh trại hai ba dặm, rồi dừng lại chỉnh đốn đội ngũ, bày trận xong thì bắt đầu cảnh giới.
Tiếp theo, bộ binh các bộ theo thứ tự vị trí, phương hướng và khoảng cách lần lượt kéo ra, cách trại hai mươi bước dàn trận bốn phía làm nhiệm vụ phòng thủ. Cuối cùng là đội vận tải xuất phát.
Sau khi toàn quân ra khỏi doanh, thứ tự lại thay đổi: Bộ binh thu trận, vượt lên trước kỵ binh để đi đầu. Kỵ binh làm nhiệm vụ hộ tống, dẫn theo đoàn vận tải, cách bộ binh hai dặm cùng hành quân.
Nếu gặp trời tuyết lớn, thì kỵ binh đi trước dẫm tuyết mở đường, bộ binh theo sau.
Trong quân đội nhà Minh, các bộ phận thường được chia thành các đội tiền, hậu, tả, hữu, trung theo hướng bày trận, khi hành quân cũng di chuyển theo thứ tự này: tiền quân đi đầu, hữu quân theo sau, tả quân tiếp đó, hậu quân đi cuối.
Trên đường hành quân, nếu gặp ngã ba, toàn quân dừng lại, phái du binh lên chỗ cao quan sát. Nếu gặp rừng rậm hay hang hốc sâu, phải cử đường kỵ vào sâu dò xét, chỉ khi không có dị thường mới tiếp tục hành quân.
Để đề phòng, chủ tướng còn đặt ra ám hiệu riêng cho các bộ phận, dùng để nhận biết nhau giữa quân chủ (hay quân chính quy) và quân khách (tức quân địa phương hoặc liên minh) khi chưa quen biết, đồng thời tránh quân địch giả dạng.
Khi hành quân, ngoài lương thảo và quân nhu, mỗi người phải mang theo hai thăng gạo kê (một thăng xay thành bột, một thăng để nguyên gói riêng); cùng một thăng rưỡi bột mì, trong đó nửa thăng làm thành bánh hấp dầu vừng, nửa thăng làm bột rang tẩm rượu ủ phơi khô, nửa thăng còn lại thì đem làm bột rang ngâm giấm muối phơi khô, tất cả đều được gói kỹ mang theo người để phòng khi cần dùng. Nếu gặp sông lớn chặn đường, nước sâu mà không có thuyền, thì phái người giỏi bơi lội mang dây thừng thô to của quân đội bơi sang bờ bên kia, sau đó dựng dây cố định ở hai bờ.
Sau đó sai binh sĩ chặt tre gỗ, đóng thành bè rồi bắc lên dây thừng làm cầu treo. Nếu gần đấy không có rừng cây, thì dùng giáo dài làm vật liệu tạm, bó lại đặt lên dây thừng, rồi trải áo giáp lên trên làm mặt đường tạm thời.
Để tránh bị đánh úp nửa chừng hoặc giặc mai phục, sau khi dựng xong cầu treo không cho toàn quân qua sông ngay, mà trước hết phái đội quân tinh nhuệ tiên phong sang trước, dàn trận đề phòng bảo vệ cho các đơn vị qua sau. Mỗi đội sang sông xong lập tức chiếm địa hình thuận lợi dàn thế trận, lần lượt qua hết mới thôi.
Dù luôn cẩn thận trong mọi tình huống, nhưng cũng phải tính đến phương án đối phó khi bị phục kích, bởi dù bố trí tốt đến đâu cũng không thể tránh được mọi sự cố. Ví dụ như khi đi qua những nơi rừng rậm thung lũng âm u, đường núi hẹp, dù kỵ binh tuần tra đã do thám kỹ cũng có thể bỏ sót. Vì vậy, trong trường hợp này nếu bị phục kích, chắc chắn sẽ bị cắt đứt liên lạc giữa các bộ phận, chia cắt thành nhiều mảnh không thể chỉ huy thống nhất. Do đó, khi qua những địa hình như thế này phải chuyển đội hình thành liên châu đảo quyển pháp (tức phép cuốn ngược chuỗi hạt).
Ví dụ, lấy một nghìn người làm mẫu, chia số quân này thành mười đơn vị, mỗi đơn vị một trăm người. Khi qua đường núi, đơn vị thứ nhất tiến vào trước, đi đến vị trí đường kỵ thứ nhất, quan sát xem lính canh giương cờ hiệu gì, nếu không có tín hiệu nguy hiểm thì lập tức dàn trận sát núi để cảnh giới; sau đó, đơn vị thứ hai vượt qua đơn vị thứ nhất, tiến lên vị trí của đường kỵ thứ hai, cũng tương tự như đơn vị thứ nhất, dàn trận sát núi cảnh giới, các đơn vị còn lại lần lượt tiến lên theo thứ tự này. Cứ như vậy tiến từng bước vững chắc, dù quân địch có phục kích bất ngờ cũng đã có sự chuẩn bị.
Khi hành quân dọc đường, nếu có việc cần tạm dừng ba năm ngày hoặc một thời gian, ngoài việc đóng trại thiết lập công sự, còn phải xây phong hỏa đài cách doanh trại một đến hai dặm để làm cảnh giới. Khi phát hiện địch tấn công, căn cứ vào quân số mà đốt lửa hiệu: thông thường 10 người đốt một đuốc nhỏ, 100 đến 200 người đốt đuốc lớn, 300 đến 400 người đốt hai đuốc, 500 đến 1000 người đốt ba đuốc và cứ thế tăng thêm.
Nếu địch tấn công doanh trại gặp thời tiết gió cát dữ dội, tầm nhìn hạn chế, thì chủ tướng sẽ ra lệnh nghiêm cấm các bộ phận xuất trại giao chiến, chủ yếu để tránh việc sau khi ra ngoài, các đơn vị bị gió cát ngăn trở không thể phối hợp, khiến địch dùng kỵ binh đánh tiêu diệt từng mảng.
Lúc này, các đơn vị chỉ có thể phòng thủ doanh trại, dùng cung nỏ và hỏa khí bắn ra, sau đó chọn lọc kỵ binh tinh nhuệ, bí mật xuất doanh tìm cách đánh vào phía sau quân địch.
Khi tiến vào địa phận địch, nếu không rõ địa hình, cần tìm kiếm dân địa phương làm người dẫn đường. Đôi khi không tìm thấy dân thường, cũng có thể bắt tù binh làm hướng đạo. Tuy nhiên, để tránh việc những người này cung cấp thông tin sai lệch, không thể chỉ nghe lời một người, mà phải tìm nhiều người, sau đó tách riêng từng người ra tra hỏi, xem thông tin cuối cùng có khớp nhau hay không.
Khi hành quân, đội quân hàng vạn thậm chí mười vạn người có thể kéo dài đến hàng chục dặm. Do khoảng cách đội hình quá dài, trống hiệu không nghe thấy, cờ xí không nhìn rõ, chỉ có thể dựa vào kỵ binh trạm dịch hoặc tiếng hô của binh lính để truyền đạt thông tin.
Quân trạm có tới 24 tầng, việc truyền tin qua nhiều tầng lớp rất dễ xảy ra sai sót, vì vậy quy định rằng thông tin truyền đi không được dài dòng mà phải cô đọng, nội dung không được vượt quá ba câu, sau đó truyền đi từng tầng một. Khi truyền tin còn phải đọc lại một lần để xác nhận, sau đó trả lời Biết rồi, rồi tiếp tục truyền về phía sau.
Cuối cùng, sau khi hạ được thành trì, đại quân không được ồ ạt kéo hết vào thành, mà trước tiên phải đóng quân ngồi chờ bốn phía thành, sau đó phái một bộ phận quân lính vào thành ổn định dân chúng và dẹp nốt lực lượng kháng cự. Chỉ khi mọi việc đã ổn thỏa, toàn quân mới được tiến vào thành.
Sau khi vào thành, do doanh trại chưa kịp dựng xong, cần phải bố trí binh lính tạm nghỉ trong nhà dân. Lúc này, lấy đội làm đơn vị, mỗi đội ở chung một nhà để tiện cho đội trưởng giám sát, không được tách ra. Nếu là những gia đình giàu có nhà cao cửa rộng hay cơ quan phủ quan, thì cứ mỗi khu vực bố trí vài đội, phân phối cho đến khi hết chỗ thì thôi.
Nếu có binh lính nào không chịu ở cùng đội mình hoặc lén lút bỏ đi, đội trưởng có quyền xử trí ngay theo quân pháp. Sau khi bố trí xong, các tướng sĩ dẫn đội mình đến nhà dân đã quy định, binh lính đứng nghiêm trước cửa, đợi khi trung quân bắn một phát đại bác rồi các phố phường đánh chiêng khua mõ, lúc đó các đội mới được vào nhà dân nghỉ ngơi. Nếu chưa nghe hiệu lệnh mà tự ý vào nhà dân, bắt được sẽ trói lại đánh tám mươi trượng, cả đội cũng phải chịu tội liên đới.
Dĩ nhiên, những điều trên đều là lý thuyết và điều lệ, còn thực tế thi hành thế nào thì còn tùy vào năng lực và sự nghiêm minh của tướng lĩnh cùng sĩ quan.
 

GIẢI MÃ CHI TIẾT QUÁ TRÌNH HÀNH QUÂN THỜI CỔ ĐẠI

  GIẢI MÃ CHI TIẾT QUÁ TRÌNH HÀNH QUÂN THỜI CỔ ĐẠI Video cho người lười đọc: https://youtu.be/rFjHll3xAwo Thời cổ đại, việc hành quân xuất c...